Hoàn cảnh ra đời Chat_với_Mozart

Thu âm và sản xuất

"Làm album mà vừa theo tinh thần cổ điển, vừa theo tinh thần nhạc nhẹ, lại vẫn có hồn Việt là một điều rất khó, nhưng tình yêu của tôi đối với âm nhạc cổ điển và sự cảm nhận ca từ đã giúp tôi vượt qua."[2]

~ Mỹ Linh

Sau thành công của Made in Vietnam (2003), Mỹ Linh và ê-kíp của ban nhạc Anh Em bắt đầu một dự án mới táo bạo hơn[3]. Vẫn theo đuổi phong cách R&B, song họ đã nghĩ tới một chủ đề mới, đòi hỏi nhiều tính chuyên môn hơn, đó chính là mang âm nhạc giao hưởng thính phòng vào nhạc nhẹ với mong muốn giúp khán giả trẻ làm quen với thể loại nhạc cổ điển, vốn bị định kiến là một thể loại nhạc dài dòng, không hay và khó hiểu[3][4].

Nhạc sĩ Dương Thụ nhớ lại: "Ý tưởng thực hiện Chat với Mozart đến trong một lần tôi trò chuyện cùng nhạc sĩ Huy Tuấn. Chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình – những người đang hoạt động nhạc nhẹ nhưng trọng nhạc cổ điển – với các bạn trẻ, những người cho rằng nhạc cổ điển là già cỗi, khó nghe nên không chủ động tiếp cận."[5]

Phần lời được viết hoàn toàn bởi nhạc sĩ Dương Thụ. Ông nói: "Với mục đích "phục vụ" thính giả Việt Nam, tôi cố gắng chuyển những tác phẩm cổ điển mang giai điệu phương Tây thành những ca khúc cho người Việt Nam hát, khiến người nghe Việt phải bắt gặp bản thân mình trong đó. Và vì hướng đến những người trẻ nên lời ca phải tương đối giản dị và có chất văn."[5] Mỹ Linh nhận xét: "Theo cảm quan cá nhân, tôi thấy ca từ vẫn nhẹ nhàng gần gũi đúng kiểu Dương Thụ với các chủ đề về tình yêu, về những mộng mơ của con người, về thiên nhiên và cuộc sống hằng ngày... Tôi cho rằng ca từ rất trong sáng và chân thành."[2].

Phần hòa âm được 2 nhạc sĩ Anh Quân và Huy Tuấn phụ trách. Album cũng mời tới sự cộng tác của các nghệ sĩ trẻ hát thính phòng hàng đầu Việt Nam như Trọng Tấn, Khánh Linh, Mạnh Dũng để hát bè cũng như cố vấn chuyên môn cho các ca khúc. Cái tên "Chat với Mozart" là do nhạc sĩ Huy Tuấn nghĩ ra, Mỹ Linh nói: "Nhắc tới Mozart thì ai cũng biết Mozart ở đây là biểu trưng của một dòng nhạc từng làm chủ cả thế giới chứ không chỉ mang ý nghĩa về tác giả - tác phẩm. [..] (Công chúng trẻ) sẽ nghe nhạc cổ điển qua những phong cách âm nhạc đương đại như R&B, jazz, funk... mà chúng tôi đã thể hiện trong loạt album Tóc ngắn, Made in Vietnam. Tên album là Chat với Mozart, nhưng tôi nghĩ chúng tôi đang chat với cả một thế hệ người nghe nhạc mới đấy."[2]

Ảnh bìa album được chụp tại Nhà hát lớn Hà Nội bởi nhiếp ảnh gia Dương Minh Long trong một serie mà người nghe có thể thấy nó trong nội dung của album. Phần thiết kế được thực hiện bởi nghệ sĩ Xuân Đông và ILU Group. Ngoài công ty Diệu Thanh, album cũng được hỗ trợ bởi Học viện Công nghệ thông tin Hà Nội (HanoiCTT) và Hãng mỹ phẩm Olay.

Ê-kíp cũng mời rất nhiều nghệ sĩ tới cộng tác, trong đó có dàn dây Nhạc viện Hà Nội, dàn hợp xướng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, và các nghệ sĩ Sơn Trạch, Quyền Thiện Đắc, Quốc Hưng,...[5].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chat_với_Mozart http://itunes.apple.com/fr/album/chat-voi-mozart/i... http://www.yeuamnhac.com/music/phan-hoi-cua-my-lin... http://vnexpress.net/gl/van-hoa/2006/11/3b9f0b94/ http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/nhac/lang-nha... http://dantri.com.vn/c23/s23-178289/chat-voi-mozar... http://dep.com.vn/Bo-suu-tap/My-Linh-phat-hanh-alb... http://dep.com.vn/Doi-thoai/Bao-Chan-My-Linh-nhu-n... http://dep.com.vn/Phoi-do/Chat-voi-My-Linh/2343.de... http://mylinh.com.vn/album-chat-voi-mozart-2005/ http://mylinh.com.vn/mot-ngay-cua-my-linh-co-gi-la...